Kinh hoàng nước bẩn đóng chai
Ngày 10/4 vừa qua, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội và Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã kiểm tra và đình chỉ thêm nhiều cở sở sản xuất nước đóng bình nhiễm bẩn hoặc không đạt chuẩn công bố. Ngoài 9 mẫu nước có độ PH không đạt chuẩn đã công bố trong số 134 mẫu nước lấy tại 134/243 cơ sở sản xuất, đoàn thanh tra Sở Y tế Hà Nội phát hiện 5 mẫu nước nhiễm trực khuẩn Coliforms (gây các bệnh tiêu chảy, viêm đường ruột nguy hiểm), đó là: nước tinh khiết nhãn hiệu Vigor của doanh nghiệp Vigor (số 1 Dã Tượng, Hoàn Kiếm); nhãn hiệu LIDA của Công ty TNHH LIDA (km 6 quốc lộ 1); nhãn hiệu Quang Long của công ty TNHH Thành Thắng số 18/36 ngõ chùa Liên phái; nhãn hiệu A Lavie của công ty TTNH Phan Thiết (phường Lĩnh Nam, Hoàng Mai); nhãn hiệu Water Fine Quality của công ty TNHH du lịch vật tư thương mại Quang Tuấn (Phường Vĩnh tuy). Sở Y tế Hà Nội đã xử phạt tiền 12,5 triệu đồng, buộc tiêu hủy sản phẩm và tạm đình chỉ sản xuất, lưu thông các sản phẩm trên. Thanh tra Sở Y tế Hà Nội còn yêu cầu 3 cơ sở khác tạm đình chỉ sản xuất do không đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh.
Trước các thông tin nước tinh khiết thực chất là nước bẩn tràn lan, TP Hà Nội đang tiếp tục mở cuộc tổng kiểm tra. Hiện toàn thành phố có 192 cơ sở sản xuất nước tinh khiết đã đăng ký, công bố chất lượng sản phẩm (Hà Nội cũ có 132 cơ sở, Hà Tây cũ có 60 cơ sở). Ngoài các hãng nước giải khát có uy tín, đầu tư nhà xưởng và máy móc theo tiêu chuẩn, còn đại đa số các cơ sở sản xuất tư nhân đều chật hẹp, tạm bợ, nhếch nhác và không đảm bảo vệ sinh môi trường sản xuất, nên chất lượng sản phẩm khó có thể kiểm định.
Theo đại diện của Viện Dinh dưỡng – Bộ Y tế: Với nước tinh khiết sản xuất theo dây chuyền hiện đại đảm bảo VSATTP, phải dùng nước máy đóng chai. Trong thành phần của nó có clo gây cứng nước, nên cần thiết bị ion hóa (làm mềm) cùng hệ thống máy móc hiện đại xử lý qua hệ thống thẩm thấu ngược và ozone, thanh trùng bằng tia cực tím…Công nghệ này có giá vài trăm triệu đến hàng tỉ đồng, khá tốn kém. Nhưng cũng có những hệ thống sản xuất nước "tinh khiết" chỉ có giá vài chục triệu vẫn đầy đủ các công đoạn khử trùng bằng tia cực tím, thẩm thấu ngược R.O… Do đó, rất nhiều cơ sở tư nhân chọn phương án dùng thẳng nước hút từ giếng khoan lên, thậm chí lọc bằng than hoặc sỏi, rồi xử lý bằng "công nghệ" khử khuẩn qua hệ thống máy dùng tia cực tím tạo ozone khử trùng rồi đóng chai, cung cấp ra thị trường loại nước uống "tinh khiết".
Sở Y tế Hà Nội quy định, nước tinh khiết phải đáp ứng trên 40 chỉ tiêu lý, hóa, vi sinh…; nhưng theo anh Nguyễn Viết Linh- Trưởng phòng kinh doanh Xí nghiệp Nước tinh khiết Hà Nội Hapuwa (Công ty nước sạch Hà Nội): "Với những hệ thống xử lý nước kiểu rẻ tiền, không mong gì nước sản xuất được đảm bảo. Ví dụ, cũng là máy khử khuẩn bằng tia cực tím, nhưng nếu là thiết bị không đảm bảo, chỉ có thể diệt khoảng 30% vi khuẩn có trong nước ngầm. Nguy hiểm nhất là E.Coli, luôn có sẵn trong nước giếng khoan, không được khử triệt để sẽ tồn tại trong nước "tinh khiết" rồi vào cơ thể người gây bệnh". Chưa kể đến hàm lượng các chất độc hai có trong nước giếng khoan không được xử lý triệt để (như Asen…)
Đáng sợ là một số loại nước đóng chai, đóng bình ở TP. Hồ Chí Minh bị phát hiện nhiễm Pseumonas là loại vi trùng cực kì nguy hiểm, có khả năng kháng thuốc cao, dễ làm nhiễm trùng đường ruột, hoặc tấn công các vết thương gây nhiễm trùng máu. Không phải người tiêu dùng nào cũng biết điều này, nên các loại nước đóng chai, đóng bình…với những tên gọi mĩ miều, được in kèm dòng chữ quảng cáo như: sản xuất trên thiết bị hoàn toàn tự động, siêu lọc, tiệt trùng bằng tia cực tím… ở nhãn mác, cộng thêm chiêu bán hàng với dịch vụ giao hàng tận nơi miễn phí, mua một tặng một bình… các nhà sản xuất "bẩn" vẫn lừa được vô số các "thượng đế" bỏ tiền ra tiêu thụ sản phẩm của mình. Khi sự thật được công bố, nhiều người mất ăn, mất ngủ vì đã trót sử dụng nước "bẩn" trong một thời gian dài.
Có thể thấy, ngoài nước "tinh khiết", thị trường đồ uống giải khát khác như các loại nước ngọt, bò húc, sữa đậu nành… đóng chai, cũng khá sôi động và được phần đông giới trẻ ưa dùng. Ngoại trừ các thương hiệu nổi tiếng như Coca-cola, Tribeco…, nhiều khách hàng cứ vô tư dùng nước đóng chai đủ màu xanh, đỏ mà không biết mình uống nước gì, được đóng chai như thế nào? Đã nhiều lần các phương tiện thông tin đại chúng, cảnh báo về tác hại của các sản phẩm nước ngọt được làm ra trong các nhà xưởng bẩn thỉu, chật hẹp, tăm tối, không hề tuân theo quy định về VSATTP.
Đại diện của Viện Dinh dưỡng – Bộ Y tế đưa ra dẫn dụ, một công nhân từng làm việc ở cơ sở sản xuất tư nhân tại Hà Nội cho biết: "quy trình công nghệ" của "nước ngọt" như sau: một lít nước cho bao nhiêu đường, bao nhiêu màu…là do chủ đưa ra công thức pha chế rồi công nhân làm theo. Do đó bí quyết sản xuất nước đóng chai cực kì đơn giản: Nước + phẩm màu = Nước cam, chanh, bò húc…". Sau khi biết sự thật "kinh hoàng" như vậy, không biết các "thượng đế" có rùng mình và còn "dũng cảm" thưởng thức những đồ uống "khoái khẩu" đó nữa không?
Quản bằng các nào?
Sáng nay (24/4), tại Hà Nội, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam đã tổ chức hội thảo "Nước uống đóng chai và vấn đề sức khỏe người tiêu dùng". Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến phải thắt chặt hơn nữa việc quản lý thị trường nước uống đóng chai.
Theo ông Trần Đình Thành – Phó Giám đốc Công ty dịch vụ dầu khí Thái Bình (chủ thương hiệu nước khoáng thiên nhiên Tiền Hải): Người tiêu dùng hiện nay vẫn chưa thật sự hiểu và phân biệt được sự khác biệt giữa nước tinh khiết và nước khoáng. Bên cạnh đó, tâm lý chuộng đồ rẻ vẫn còn phổ biến. Hầu như các khách hàng, thậm chí các cơ quan, tổ chức khi đặt mua nước vẫn chưa chú ý đến nhãn mác, tên tuổi cũng như thương hiệu của các hãng sản xuất nước. Nắm bắt được yếu tố tâm lý này, các cơ sở sản xuất nước nhỏ lẻ đã đưa ra những tên gọi na ná với những sản phẩm có uy tín, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Một nghịch lý là những cơ sở sản xuất nước này khi đi đăng ký chất lượng sản phẩm, vẫn được cấp phép mà các cơ quan chức năng không có sự kiểm tra tại cơ sở sản xuất. Đó chính là điều rất đáng lo ngại. Bởi ngay cả các cơ quan chức năng vẫn không có biện pháp quản lý chặt chẽ đối với các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, hàng ngày, có rất nhiều sản phẩm nước đóng chai, đóng bình không đảm bảo chất lượng vẫn lưu thông trên thị trường.
TS Lâm Quốc Hùng – Cục VSATTP, Bộ Y tế đánh giá: Tình trạng vi phạm quy định của của nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh và chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của nước uống tinh khiết đóng chai hiện nay rất phức tạp cả về mức độ và quy mô. Nguyên nhân của thực trạng trên là do đa số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nước uống đóng chai là quy mô nhỏ và vừa, công nghệ còn chưa được đầu tư thoả đáng, địa bàn sản xuất không bảo đảm điều kiện vệ sinh môi trường, cơ sở hạ tầng (hệ thống cống rãnh, thu gom, xử lý chất thải, diện tích mặt bằng chật hẹp, kết cấu nhà xưởng tạm…). Trách nhiệm của người sản xuất, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh nước đóng chai trong việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm còn hạn chế, có tư tưởng đối phó với các quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, sự gia tăng nhu cầu tiêu dùng nước uống đóng chai, gia tăng cơ sở sản xuất tác động trực tiếp tới vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Hơn nữa, hiện chưa có bộ máy quản lý hành chính thống nhất; chưa có tổ chức hệ thống thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm; chưa có đủ nguồn nhân lực và ngân sách hoạt động, trang thiết bị kiểm nghiệm thực phẩm. Hoạt động thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa thường xuyên và có hiệu quả thực sự. Mặt khác, việc hiểu, áp dụng các văn bản quy phạm, các hướng dẫn của các doanh nghiệp ở tuyến địa phương chưa đầy đủ, trách nhiệm thực hiện chưa tự giác, còn tình trạng đối phó với cơ quan quản lý; Sự hiểu biết của cộng đồng trong việc lựa chọn sản phẩm nước uống đóng chai bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế.
Hiện nay lực lượng y tế đang phối hợp với các ban ngành liên quan triển khai đồng loạt các hoạt động thanh tra, kiểm tra điều kiện cơ sở trong khi sản xuất, chế biến, kinh doanh; lấy mẫu kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm nước đóng chai trên phạm vi cả nước. Kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật như: phạt hành chính, đình chỉ hoạt động sản xuất, chế biến nước đóng chai, niêm phong sản phẩm chờ kết quả kiểm nghiệm; chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra khi cố tình vi phạm (tại TP Hồ Chí Minh đã đình chỉ 53 cơ sở, phạt hành chính 44 cơ sở, chuyển cơ quan điều tra 2 cơ sở trong số 329 cơ sở được thanh tra, kiểm tra).
TS Lâm Quốc Hùng cũng cho biết, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm sẽ phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội (trước mắt là Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam) để triển khai các hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đối với loại hình sản phẩm này cũng như các sản phẩm khác trong tương lai.
Tuy nhiên, để tăng cường hiệu quả và hiệu lực quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh nước uống đóng chai, các chuyên gia khuyến cáo, trong thời gian tới, UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương cần chỉ đạo UBND các cấp, các cơ quan chức năng triệt để chấp hành các quy định quản lý của pháp luật về an toàn thực phẩm; Kiên quyết không để các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai chưa được cấp Giấy phép đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; không công bố tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn được tổ chức hoạt động.
Hơn nữa, Sở Y tế phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh/thành cần phối hợp với các cơ quan thông tấn địa phương tăng cường thông tin, tuyên truyền phổ biến kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định của pháp luật về công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng nước uống đóng chai. Các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm của cấp Trung ương và địa phương; Huy động các cơ quan quản lý, các tổ chức xã hội tăng cường hoạt động giám sát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai; Yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nước uống tinh khiết đóng chai trên địa bàn tỉnh có cam kết chấp hành nghiêm túc, tự giác các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh…
Bên cạnh đó, về mặt pháp lý, hiện nay quy định về điều kiện cơ sở sản xuất, chất lượng vệ sinh nước uống đóng chai không còn phù hợp với quy định và tình hình thực tế. Do đó, Bộ Y tế cần công bố sớm Quy chuẩn kỹ thuật nước đóng chai mới.
Hơn bao giờ hết, thị trường nước uống đóng chai cần sớm được "gạn đục, khơi trong", đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường và sức khỏe người tiêu dùng.
Welcom to Neva Water - Nước uống tinh khiết Neva - http://www.neva.com.vn
Nguồn tin:
hanoimoi.com.vn